Đông y cho rằng: “Con người là một sinh vật trong tự nhiên, luôn luôn tiếp xúc với hoàn cảnh tự nhiên, cho nên không thể tách rời tự nhiên”. Học thuyết “Sinh khí thông thiên luận sách Tố vấn” viết: “Trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết nhân sự, thì có thể tồn tại được lâu dài” hay “Điều dưỡng thân thể mà không theo vào lẽ của tự nhiên thì tật bệnh sẽ phát sinh”. Sự biến hóa khí hậu của bốn mùa
Tứ thời là xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân ấm, mùa hạ nóng, mùa thu mát, mùa đông lạnh. Nhưng trên thực tế chỉ có ấm và nóng thuộc dương khí. Mát và lạnh thuộc âm khí. Như vậy mùa xuân, mùa hạ thuộc dương. Mùa thu mùa đông thuộc âm. Nhưng sự nóng lạnh không thể tách rời nhau, theo qui luật tự nhiên trong dương có âm, trong âm có dương. Người xưa dựa vào qui luật ấy để đề phòng bệnh tật. Nhưng trong thực tế mỗi sinh vật phải luôn luôn điều tiết để phù hợp, nhất là khi có sự biến đổi đột ngột. Mọi qui luật có bình thường thì có biến, có thuận thì tất nhiên có nghịch. Sự biến hóa trái thường thì không tốt đối với sự sống của vạn vật. Người xưa cho rằng: “Phong khí sinh ra vạn vật nhưng cũng có thể làm hại vạn vật”. Như nước làm nổi thuyền nhưng cũng có thể làm lật thuyền, sự biến hóa khác thường của khí hậu người xưa gọi là “khí lục dâm”. Khí này đến bất cập quá, điều tiết không kịp làm đảo lộn sự sống của con người như lụt lội, hạn hán, bệnh tật đó là những thay đổi bất cập của khí hậu bốn mùa để con người và vạn vật sinh ra bệnh tật.
Thổ nghi, khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe
Sự khác nhau giữa thủy, thổ, tập quán, sinh hoạt, thể chất và bệnh tật có liên quan đến sự biến hóa khí hậu.
Những vùng khí hậu lạnh, đất cao phần nhiều lắm táo khí, những vùng đất thấp nhiều thấp khí. Cho nên khí hậu, thiên thời, tính chất của đất, nước giữa các vùng miền cũng khác nhau, nên về sinh lý và bệnh lý của con người cũng khác nhau. Vùng giáp biển gần nước, dân cư ăn nhiều cá, thích ăn mặn, da đen, lỗ chân lông thưa, thường dễ mắc bệnh ngoài da. Những vùng núi cao, gió nhiều, đất khô, ăn nhiều thịt, người béo, lỗ chân lông kín tà khí khó xâm nhập, bệnh phần nhiều chủ yếu là nội chứng. Phía Nam khí hậu nóng, dương khí thịnh, thích ăn chua, hoặc thức ăn đã ướp muối, da dẻ đỏ, bệnh phần nhiều thuộc cân (gân) mạch, co cứng, tê dại… Cư dân sống ở thành thị đất bằng phẳng, nhiều ẩm thấp, lao động nhàn rỗi, ăn uống đầy đủ thường hay mắc các chứng suy, khuyết, nghịch. Khi điều trị ngoài dùng thuốc, cần hướng dẫn bệnh nhân tập luyện, xoa bóp, vận động.
Khi điều trị cần căn cứ khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán mỗi vùng miền mà dùng phương pháp điều trị khác nhau.
Dưỡng sinh phù hợp
Trong Đông y việc dưỡng sinh phòng bệnh để bảo tồn sự sống của con người là hết sức quan trọng. Nhưng phải phù hợp với khí hậu bốn mùa. Mọi sinh hoạt phải thích ứng với qui luật sinh, trưởng, thu, tàng, giữ gìn nhịp nhàng giữa tự nhiên và cơ thể để đạt được mục đích: Dưỡng sinh, dưỡng trưởng, dưỡng thu, dưỡng tàng. Để người và tự nhiên là một khối thống nhất không bị “khí lục dâm” làm tổn hại đến sức khỏe. Lấy rèn luyện cơ thể mà nói: Trong một ngày khí hậu từng giai đoạn cũng khác nhau. Buổi sáng là khí hậu của mùa xuân, buổi trưa là khí hậu của mùa hạ, chập tối là khí hậu của mùa thu, nửa đêm là khí hậu của mùa đông. Ban ngày dương khí nhiều, âm khí ít. Ban đêm âm khí nhiều, dương khí ít. Buổi sáng công năng của dương khí vượng nên tập thể dục vào buổi sáng để thu được nhiều năng lượng của dương khí. Không nên tập thể dục hoặc đi bộ vào buổi tối, vì buổi tối nhiều âm khí, hít nhiều âm khí vào cơ thể không tốt cho sức khỏe, sau một thời gian sẽ sinh bệnh thuộc hàn chứng, tích trệ…
Phép dùng thuốc trong chữa bệnh
Dựa trên nguyên tắc sinh, trưởng, hóa, thu, tàng. Kết hợp với vị khí của thuốc và khí của ngũ tạng lục phủ trong cơ thể. Theo qui luật sinh khắc của ngũ hành trong bốn mùa mà định ra phép tắc dùng thuốc trong chữa bệnh: Mùa xuân khí thăng phát thiên thắng, không nên dùng nhiều thuốc khổ hàn, tả hỏa làm tổn hao dương khí. Mùa hạ thử khí thiên thắng, không nên dùng nhiều thuốc tân ôn làm tổn thương âm khí. Mùa trường hạ nhiều thấp khí, không nên dùng nhiều thuốc nê trệ, nhuận, dẫn đến trệ thấp tà khí lưu lại trong cơ thể. Mùa thu khí hậu khô táo, không nên dùng nhiều thuốc cường táo, làm hao tổn tân dịch. Mùa đông là mùa bế tàng, không nên dùng nhiều thuốc khai tiết, hoặc thuốc hàn tiết, làm tổn thương dương khí.
Đó là cách sống, sinh hoạt, phòng bệnh, dưỡng sinh, chữa bệnh, mà người xưa đã dày công nghiên cứu.
Theo Suckhoedoisong