Có những bà mẹ rất chăm con nhưng bé vẫn bị chê còi, gầy. Điều này vô tình làm mẹ cảm thấy áp lực vì nuôi con chưa đúng cách, dẫn đến ép con ăn nhiều hơn, lâu dần có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trẻ kém hấp thu. Các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm không được tiếp nhận tốt trong quá trình tiêu hóa dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cần cho sự phát triển nên dù ăn tốt thì bé vẫn còi cọc và chậm tăng cân.
Kém hấp thu thường xảy ra ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa do ảnh hưởng trong quá trình xử lý các bệnh nhiễm trùng (viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản…); do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, mất cân bằng; trẻ bị bệnh về đường ruột, hay gặp là tình trạng nhiễm giun sán, các loại ký sinh trùng đường ruột khác; hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng làm giảm bài tiết men tiêu hóa thức ăn, từ đó giảm hấp thu dưỡng chất, vitamin và khoáng chất.
Khi tình trạng kém hấp thu kéo dài, bé sẽ bị thiếu năng lượng và thiếu chất dinh dưỡng, dẫn tới chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao, gây còi xương, suy dinh dưỡng và kém phát triển về trí não.
Khi đó, hệ lụy là bé sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm cao như cảm cúm, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… Điều này dẫn đến bé càng chậm phát triển. Đây là vòng luẩn quẩn bệnh tật rất khó thoát ra.
Chưa kể, bé thiếu dinh dưỡng và ốm yếu còn dễ bị rối loạn nhận thức và cảm xúc, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, học tập trước mắt và có thể kéo dài về sau.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong năm đầu của cuộc đời, sự phát triển của trẻ thường chia thành các giai đoạn.
Trong 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh, tăng cân từ 1.000-1.200g/tháng, chiều dài tăng khoảng 3cm/1 tháng. 3 tháng tiếp theo trẻ tăng cân nặng từ 400-600g/tháng và chiều dài thường tăng 2-2,5cm/tháng.
6 tháng tiếp theo cân nặng của trẻ tăng ít hơn, từ 300-400g/tháng. Từ tháng thứ 7-9 chiều cao của trẻ tăng 2cm/tháng, đến 3 tháng tiếp theo thì còn giảm xuống 1-1,5cm/tháng. Như vậy, đến lúc 1 tuổi cân nặng của trẻ gấp 3 lần lúc sinh (từ 9-10kg) và chiều cao tăng gấp 1,5 lần lúc sinh (khoảng 75cm).
Giai đoạn từ 2-10 tuổi cân nặng trung bình tăng từ 2-3kg/năm và chiều cao tăng từ 5-7cm mỗi năm. Giai đoạn từ 11-18 tuổi là giai đoạn trẻ dậy thì, cân nặng và chiều cao tăng rất nhanh, có thể lên tới 8-10kg và 8-10cm mỗi năm.
Để theo dõi sự phát triển của trẻ các bà mẹ phải thường xuyên cân và đo chiều cao cho trẻ. Thường trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên cân đo cho trẻ 1 lần trong 1 tháng. Trẻ từ 1-3 tuổi, 2 tháng cân đo 1 lần và trẻ trên 3 tuổi là 3 tháng 1 lần.
Nếu trẻ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân thì phải cân đo hàng tháng thậm chí 2 tuần 1 lần. Sau mỗi đợt trẻ bệnh cũng phải cân đo để theo dõi sự phục hồi của trẻ. Tốt nhất, mẹ nên sử dụng bảng chiều cao theo tuổi, cân nặng theo tuổi, để xác định tình trạng sức khỏe của trẻ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu trẻ có các triệu chứng của kém hấp thu như chậm lên cân, suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao; thỉnh thoảng hoặc thường xuyên bị đau bụng, chướng và sôi bụng; sút cân, mệt mỏi, kém linh hoạt thì nên đưa trẻ đến khám với bác sĩ để chẩn đoán và có hướng xử lý kịp thời.
Ngoài các dấu hiệu trên, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng của thiếu vi chất như niêm mạc mắt nhợt nhạt do thiếu máu thiếu sắt, có thể phù chân do thiếu vitamin B1, đau cơ, chuột rút do thiếu canxi… Việc phát hiện và được tư vấn cách khắc phục sớm sẽ mang đến hiệu quả cao, tránh ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Bé nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ăn dặm đúng thời điểm khi trẻ được 6 tháng tuổi. Bởi việc cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi không đem lại bất kỳ hiệu quả nào, ngược lại còn có thể khiến bé gặp phải nhiều vấn đề về tiêu hóa.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn vàng phát triển, chế độ ăn của bé phải đảm bảo đủ năng lượng và có đủ các dưỡng chất hỗ trợ tăng trưởng chiều cao, kích thích sự thèm ăn là chất đạm, lysine, vitamin nhóm B, vitamin A, D, E, canxi, kẽm, sắt, iốt.
Không nên cho trẻ dùng các đồ uống có đường nhiều hoặc các chất kích thích như nước ngọt, trà và cà phê. Tránh ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên nhiều dầu mỡ.
Ngoài chế độ ăn bình thường, phụ huynh nên tham khảo bác sĩ để bổ sung vi chất đúng cho từng độ tuổi nhằm giúp bé hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Vì vi chất không tự sinh ra trong cơ thể mà cần phải cung cấp từ thực phẩm, nhưng đôi khi khẩu phần ăn không được cân đối đầy đủ khiến trẻ vẫn bị thiếu hụt dù ăn nhiều.
Bên cạnh dinh dưỡng, giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Trẻ sơ sinh đến dưới 3 tuổi cần ngủ dài hơn, trung bình từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày, hormone tăng trưởng giúp phát triển chiều cao được tiết ra nhiều từ 23h đêm đến 2h sáng.
Đồng thời, mẹ đừng quên tăng cường vận động bằng cách cho trẻ chơi, tham gia các hoạt động thể chất để tăng sự co bóp của ruột giúp trẻ ăn ngon miệng và tăng quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn.
Theo Suckhoedoisong